HỆ THỐNG & GIẢI PHÁP Hỗ trợ trực tuyến

Những lưu ý trong thiết kế chiếu sáng bệnh viện

03:35, 14/07/2020
Thiết kế chiếu sáng trong bệnh viện là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm bởi những lợi ích mà nó mang lại. Tối ưu hóa công năng hoạt động của bệnh viện qua việc chiếu sáng đúng và đủ giúp các nhân viên làm việc hiệu quả và chính xác hơn, bệnh nhân cảm giác tiện nghi và nhanh hồi phục sức khỏe. Bên cạnh đó, chiếu sáng còn giúp gia tăng tính thẩm mỹ của không gian kiến trúc, giúp tiết kiệm năng lượng tiêu tốn không chỉ cho chiếu sáng nhân tạo mà cả tiết kiệm năng lượng làm mát hay sưởi công trình từ việc tối ưu hóa phương án chiếu sáng tự nhiên, che nắng tốt và giảm bức xạ mặt trời.

1. Thứ nhất: Nhìn về góc độ kỹ thuật, thể loại công trình bệnh viện tổng hợp nhiều loại hình không gian và công năng khác nhau. Mỗi không gian và công năng lại có các yêu cầu cụ thể và chính xác như: khu khám bệnh, khu nội trú, khu vô trùng, khu phòng mổ… Mỗi thể loại phòng có yêu cầu chiếu sáng rất đặc thù không chỉ về độ rọi (illuminance, lux), mà còn thêm quy định chặt chẽ về các tiêu chí kỹ thuật khác về mức độ tiện nghi như nhiệt độ màu (Colour rendering, K0), độ hoàn màu (Colour Rendering Index, Ra), các chỉ số về độ chói và yêu cầu về vô trùng thể hiện bằng độ kín (Ingress protection, IP).

Mỗi loại hình bệnh viện (bệnh viện nhi, bệnh viện sản, tai mũi họng, tim…) lại có thêm những yêu cầu đặc thù khác nhau. Mặt khác, mỗi một bệnh viện lại có phương án vận hành riêng. Do vậy, rất khó xây dựng một mô hình hay hướng dẫn thiết kế chiếu sáng điển hình có thể áp dụng chung cho tất cả các thể loại bệnh viện.

2. Thứ hai, thiết kế chiếu sáng bệnh viện phải quan tâm đến nhiều đối tượng sử dụng khác nhau: cả người sử dụng trong trạng thái không khỏe mạnh (bệnh nhân) và cả những người sử dụng khỏe mạnh (nhân viên, người nhà, người thăm bệnh), đôi khi phải xử lý trong cùng một không gian và thời gian. Một ví dụ là hệ thống chiếu sáng trong phòng bệnh nhân tiêu chuẩn quốc tế phải có 4 chế độ: Chế độ cho bệnh nhân khi nghỉ ngơi ban ngày, chế độ khi bác sĩ vào thăm khám bệnh ban ngày, chế độ cho bệnh nhân khi nghỉ ngơi ban đêm và chế độ cho y tá quan sát thăm bệnh vào ban đêm.

3. Thứ ba là thách thức về việc cân bằng giữa bảo đảm tính kĩ thuật và tính thẩm mỹ. Do tính phức tạp của hệ thống và các yêu cầu kỹ thuật, nhiều phương án thiết kế chiếu sáng cho bệnh viện thường nặng về kỹ thuật, đơn điệu, tính thẩm mỹ chưa cao.

4. Thứ tư là vấn đề về vận hành, duy tu bảo dưỡng và vệ sinh. Do tính chất của công trình bệnh viện là hoạt động 24/24, nên các thiết bị chiếu sáng cần có tuổi thọ cao, ít cần duy tu bảo dưỡng, nhất là trong các không gian vô trùng. Phương án thiết kế chiếu sáng phải linh hoạt, đa năng và tích hợp tốt với các hệ thống kỹ thuật công trình khác. Các thiết bị sử dụng phải làm từ vật liệu ít phát thải độc hại, dễ lau chùi, kín, khó bám bụi và vi khuẩn.

Thiết kế chiếu sáng cho bệnh viện cần sự tích hợp và phối hợp cao không chỉ với kiến trúc mà còn với các hệ thống kỹ thuật cơ điện công trình khác như điện, thông tin, điều khiển tòa nhà. Phương án chiếu sáng thường phải linh hoạt, có nhiều chế độ phù hợp theo mỗi công năng và thời gian khác nhau, thường tích hợp vào hệ thống quản lý của tòa nhà (Building Management System, BMS).

5. Thứ năm là vấn đề về năng lượng. Hầu hết các không gian bệnh viện đều sử dụng 24/24, rất nhiều không gian không thể sử dụng ánh sáng tự nhiên như phòng mổ, X-quang. Các nghiên cứu cho thấy tiêu tốn năng lượng cho chiếu sáng chiếm từ 20 - 30% tổng năng lượng tiêu thụ. Do vậy vấn đề đưa ra một phương án chiếu sáng có hiệu quả năng lượng cao là rất quan trọng. Việc sử dụng ánh sáng tự nhiên có thể giúp tiết giảm năng lượng tiêu thụ cho chiếu sáng, nhưng cũng phải tính đến những ảnh hưởng sinh học đối với bệnh nhân và bức xạ mặt trời gây hư hại cho thiết bị y tế.
Công ty Cổ phần Công nghệ chiếu sáng LOSi | Mã số thuế: 0107567641